14 Dạng Câu Hỏi IELTS Reading Thường Gặp

12/08/2022 10:06

Reading là một trong những kỹ năng được cho là "dễ thở" hơn khi so sánh với Writing hay Speaking. Tuy nhiên để có thể đạt điểm số cao trong phần thi này cũng không phải là điều dễ dàng đòi hỏi thí sinh phải nắm vững dạng bài cùng với vốn từ vựng học thuật sâu rộng để có thể đạt số điểm cao nhất

Theo như dạng bài của các kì thi IELTS trước đây, trong bài thi IELTS Reading có thể xuất hiện 14 dạng câu hỏi khác nhau, việc biết được các dạng bài Reading IELTS và nắm được chiến lược làm từng dạng sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị tốt nhất và vững chắc tâm lí khi bước vào kỳ thi. Cùng IGEMS điểm qua các dạng câu hỏi trong IELTS Reading thường gặp trong bài viết này nhé!

1. Matching Headings:

Matching headings yêu cầu thí sinh phải chọn tiêu đề (Headings) phù hợp nhất cho các đoạn văn trong bài. Những tiêu đề này sẽ được đánh số La Mã (i, ii, iii…) còn đoạn văn sẽ được đánh thứ tự theo bảng chữ cái (A, B, C…). Số lượng tiêu đề thông thường sẽ nhiều hơn số lượng đoạn văn nên thí sinh cần phải chú ý khi làm bài, bên cạnh đó nội dung các đoạn văn chứa khá nhiều từ ngữ học thuật cũng như có các từ khóa gây nhiễu khiến thí sinh dễ nhầm lẫn nội dung các đoạn gây ra sai sót

 

matching headings

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài Matching Headings trong bài thi IELTS Reading:

  • Nên đọc kĩ và phân biệt rõ ràng giữa các headings với nhau. Nhiều headings có thể có keywords (từ khoá) giống nhau nên rất nhiều thí sinh hay bị nhầm.
  • Muốn làm đúng matching headings đừng nên chỉ so sánh keywords giữa headings và đoạn văn mà nên đọc hết đoạn và thật sự nắm được ý chính của đoạn.
  • Thường giữa headings và đoạn văn sẽ có synonyms (từ đồng nghĩa) nhưng có nhiều trường hợp headings sẽ được paraphrase (viết lại) bằng cách khác mà không sử dụng synonyms. Vì vậy đừng phụ thuộc 100% vào synonyms nhé!
  • Có thể dùng phương pháp loại trừ khi còn phân vân giữa các headings: làm câu dễ trước và chừa câu khó lại để loại trừ sau. 

2. True/False/Not Given và Yes/No/Not Given:

Đây là dạng bài yêu cầu thí sinh phải lựa chọn xem thông tin đưa ra trong câu hỏi là đúng hay sai hoặc không được đề cập đến trong bài đọc hiểu. Ở dạng bài này thí sinh cần phải rà soát thông tin một các cẩn trọng bởi hầu hết sẽ dễ bị nhầm giữa False và Not Given. Bên cạnh đó, thí sinh còn mất điểm khi không đọc kĩ đề bài mà nhầm lẫn giữa True/False và Yes/No.

 

True/False/Not Given

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài True/False/Not GivenYes/No/Not Given trong bài thi IELTS Reading:

  • Không phụ thuộc 100% vào việc đi tìm từ đồng nghĩa giữa bài đọc và câu hỏi, vì có nhiều trường hợp thông tin sẽ được paraphrase bằng cách khác mà không dùng từ đồng nghĩa. Skim/scan tìm từ đồng nghĩa rất dễ bị bỏ lỡ thông tin và chọn nhầm Not Given.
  • Câu hỏi trong dạng bài này thường đi theo thứ tự thông tin trong bài đọc. Thí sinh nên lưu ý điều này để xác định vị trí thông tin hiệu quả hơn.
  • Đừng tự suy diễn theo ý của mình. Thông tin nếu là True hoặc False thì phải được đề cập rõ ràng trong bài.
  • Nếu không tìm được thông tin nằm ở đâu thì đừng tốn quá nhiều thời gian vào nó mà hãy chọn Not Given rồi đánh dấu lại câu đó và quay lại nếu còn thời gian.

3. Matching Information:

Dạng Matching information yêu cầu thí sinh tìm xem thông tin trong câu hỏi đề cập tới đoạn nào. Trong một số trường hợp một đoạn có thể được dùng để trả lời cho nhiều câu. Dạng bài này đòi hỏi thí sinh phải nắm bắt và hiểu kĩ nội dung của cả đoạn văn bản được nhắc đến bởi các đáp án sẽ bao gồm nhiều thông tin gây nhiễu.

 

matching information

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài Matching Information trong bài thi IELTS Reading:

  • Thứ tự câu hỏi sẽ không đi theo thứ tự thông tin trong bài đọc, vì thế việc dựa vào thứ tự trong bài sẽ dễ khiến thí sinh thấy rối khi làm.
  • Thông thường đừng đi tìm tên riêng hay từ khoá giống nhau hoàn toàn giữa câu hỏi và bài đọc vì thông tin gần như chắc chắn sẽ được paraphrase.
  • Nên đọc lướt qua list câu hỏi một lần xem câu nào làm được trước thì làm, sau đó thì mới loại trừ những câu còn lại nhé!
  • Thông tin câu hỏi không phải là thông tin chính mà có thể là một chi tiết nhỏ nào đó trong đoạn.
  • Có thể có đoạn không trả lời cho câu hỏi nào.

4. Summary completion:

Summary completion yêu cầu thí sinh điền vào chỗ trống để hoàn thành một phần "tổng kết" cho bài đọc. Phần tổng kết này có thể là tổng kết toàn bài, tổng kết một đoạn hoặc một vài đoạn. Đây là dạng bài được đánh giá là khá dễ vì hầu như các từ khóa đều nằm trong văn bản và hầu như không phải thay dối dạng từ.

 

summary completion

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài Summary Completion trong bài thi IELTS Reading:

  • Đa phần câu hỏi sẽ theo thứ tự thông tin trong bài đọc, nhưng cũng có trường hợp 2 câu liên tiếp nhau có thể bị đảo thứ tự.
  • Nên đọc kĩ đề để biết cần điền bao nhiêu từ vào chỗ trống và có được điền số hay không (No more than … words AND/OR a number).
  • Nên đọc cấu trúc câu hỏi để xem từ cần điền đang thuộc loại từ nào.
  • Nếu từ cần điền là một danh từ, cần chú ý đó là danh từ số ít hay số nhiều.
  • Một vài trường hợp thí sinh phải tự tìm từ từ bài đọc để điền vào chỗ trống, cũng có trường hợp đề bài cho sẵn các lựa chọn (A, B, C, D..) để thí sinh chọn.

5. Sentence Completion:

Dạng bài nay khá giống với dạng Summary Completion chỉ khác là Sentence Completion là điền từ và hoàn thành câu còn summary conpletion là hoàn thành đoạn văn, từ cần điền phải là một từ trong bài đọc.

 

sentence completion

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài Sentence Completion trong bài thi IELTS Reading:

  • Thí sinh phải điền y chang từ như nó xuất hiện trong bài đọc, không được phép thay đổi dạng thức từ hay thêm số ít/ số nhiều.
  • Thứ tự câu hỏi sẽ theo thứ tự thông tin trong bài.
  • Nên đọc cấu trúc câu để biết cần điền loại từ nào vào chỗ trống.
  • Nên đọc kĩ đề để biết cần điền bao nhiêu từ vào chỗ trống và có được điền số hay không (No more than … words AND/OR a number)

6. Multiple Choice:

Multiple Choice là dạng câu hỏi trắc nghiệm, yêu cầu thí sinh chọn đáp án chính xác nhất trong 4 lựa chọn (A, B, C, D) để trả lời thông tin đưa ra trong câu hỏi. Dạng đề này đòi hỏi thí sinh phải định vị được nội dụng được nói đến trong câu hỏi cũng như từ khóa chính xác có trong đáp án.

 

multiple choice

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài Multiple Choice trong bài thi IELTS Reading:

  • Đừng chỉ dựa vào 1,2 keywords (từ khoá) giống nhau mà chọn, vì đa phần lựa chọn nào cũng sẽ xuất hiện từ khoá giống bài đọc.
  • Câu hỏi có thể hỏi thông tin chính trong đoạn hoặc hỏi một chi tiết nào đó.
  • Thứ tự đa số câu hỏi đi theo thứ tự thông tin trong bài.
  • Có thể dùng phương pháp loại trừ trong trường hợp còn phân vân giữa hai lựa chọn

7. List Section:

Dạng câu hỏi này yêu cầu thí sinh chọn 2 hoặc 3 đáp án đúng từ danh sách các lựa chọn để trả lời câu hỏi đề bài đưa ra.

 

list section

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài List Section trong bài thi IELTS Reading:

  • Thông tin trong bài và trong các lựa chọn có thể được paraphrase bằng synonyms (từ đồng nghĩa) hoặc bằng các phương pháp paraphrase khác.
  • Nếu không chắc chắn một lựa chọn là đúng hay sai thì nên bỏ qua và cân nhắc các lựa chọn khác rồi loại trừ sau.
  • Những lựa chọn thường sẽ đi theo thứ tự thông tin trong bài đọc.

8. Choose a Title:

Dạng câu hỏi này yêu cầu người đọc phải tìm tựa đề cho cả bài đọc. Thường thì chủ đề của bài sẽ nằm ở đoạn đầu hoặc đoạn cuối của bài đọc hiểu, tuy nhiên có những trường hợp chủ để của cả bài sẽ nằm trong cả văn bản chứ không ở riêng bất cứ đoạn nào cả buộc thí sinh phải nắm được nội dung toàn bài để chọn được đáp án đúng. 

 

choose a title

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài Choose a Title trong bài thi IELTS Reading:

  • Vì đây là dạng bài hỏi ý chính của cả bài nên người đọc cần làm nó cuối cùng, sau khi đã đọc xong bài đọc và trả lời hết những dạng câu hỏi khác.
  • Với dạng bài này, đừng đi tìm keywords giống nhau giữa câu hỏi và bài đọc hay đi tìm synonyms. Thí sinh chỉ có thể trả lời được dạng câu hỏi này khi thật sự nắm được ý chính của cả bài.

9. Classification:

Dạng câu hỏi này yêu cầu thí sinh phân loại thông tin vào các nhóm cho sẵn. Một vài dạng con của dạng này là Matching name (Nối tên với thông tin liên quan) hoặc Matching date (Nối ngày tháng với thông tin liên quan). Đối với dạng bài này kĩ năng Scanning giúp thí sinh định vị được tên riêng mà đề bài nhắc tới từ đó có thể tìm được nội dung đáp án.

 

classification

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài Classification trong bài thi IELTS Reading:

  • Với dạng này thì thường danh sách tên riêng hoặc ngày tháng sẽ theo thứ tự, còn danh sách các thông tin thì không.
  • Có những trường hợp nhiều câu có thể vào một nhóm (ví dụ, nhiều thông tin có thể nối với một tên riêng).

10. Matching Sentence Ending:

Dạng câu hỏi này sẽ cho sẵn nửa đầu của một câu và yêu cầu thí sinh chọn nửa câu sau phù hợp, dựa vào thông tin trong bài đọc. Thí sinh cần nắm bắt kĩ thông tin trong bài đọc cùng với các từ động nghĩa để có thể ghép thành câu hoàn chỉnh nhất.

 

matching sentence ending

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài Matching Sentence Ending trong bài thi IELTS Reading:

  • Nên đọc kĩ nửa câu đầu trước để xác định thông tin trong bài.
  • Thông tin nửa câu sau sẽ được paraphrase nên đừng chỉ chăm chăm đi tìm từ khoá giống nhau nhé!
  • Thứ tự những câu hỏi trong dạng bài này thường sẽ đi theo thứ tự thông tin trong bài.
  • Câu hoàn chỉnh phải đúng cả về mặt ngữ pháp và phù hợp về mặt ý nghĩa.
  • Thường đề bài sẽ cho nhiều endings (nửa câu sau) hơn là nửa câu đầu nên sẽ có ending bị dư.

11. Table Completion:

Dạng câu hỏi này yêu cầu thí sinh điền vào chỗ trống để hoàn thành một bảng thông tin. Đây được cho là dạng bài "ăn điểm" trong phần thi Reading và thường nằm ở Passage 1. Thí sinh chỉ cần nắm bắt được nội dung và điền chính xác từ trong bài đọc hiểu vào bảng.

 

tabe completion

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài Table Completion trong bài thi IELTS Reading:

  • Nên chú ý thông tin ở cột hàng ngang và hàng dọc của bảng thông tin vì nó giúp thí sinh xác định vị trí thông tin cần tìm trong bài.
  • Quan sát cấu trúc của câu để dự đoán loại từ cần điền vào chỗ trống.
  • Nhớ xem đề bài cho phép mình điền bao nhiêu từ nhé! (No more than … words and/ or a number)

12. Flow Chart Completion:

Dạng câu hỏi này yêu cầu thí sinh điền vào chỗ trống để hoàn thành một quy trình được đề cập trong bài.

 

flow chart completion

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài Flow Chart Completion trong bài thi IELTS Reading:

  • Vì là điền thông tin để hoàn thành một quy trình nên thường thứ tự câu hỏi sẽ theo đúng như thứ tự thông tin trong bài đọc.
  • Thông tin trong dạng câu hỏi này sẽ không trải dài mà thường chỉ tập trung trong 1 hoặc 2 đoạn.
  • Giống những dạng Gap fill khác, khi làm dạng này cần chú ý số từ được điền vào chỗ trống (No more than … words and/or a number).
  • Đọc cấu trúc câu hỏi (thường là một câu hoàn chỉnh) để biết loại từ cần điền vào chỗ trống là loại từ nào.

13. Diagram Completion:

Dạng câu hỏi này yêu cầu thí sinh phải chọn từ phù hợp điền vào chỗ trống để chú thích cho một bức hình. Dạng bài này khá giống với Flow Chart tuy nhiên lại có hình ảnh minh họa sinh động hơn.

 

diagram completion

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài Diagram Completion trong bài thi IELTS Reading:

  • Cần chú ý loại từ cần điền vào chỗ trống. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu như câu hỏi ở dạng Sentence completion là một câu hoàn chỉnh thì câu hỏi ở dạng này thường chỉ là một cụm danh từ.
  • Cần chú ý số từ được cho phép điền vào chỗ trống (No more than … words and/or a number)
  • Thứ tự câu hỏi có thể theo thứ tự bài đọc, tuy nhiên hai câu hỏi đứng gần nhau có thể thay đổi thứ tự cho nhau.
  • Những câu trả lời cho dạng bài này thường chỉ tập trung vào một hoặc hai đoạn trong bài đọc.

14. Short Answer Questions:

Dạng câu hỏi này yêu cầu thí sinh đưa ra câu trả lời ngắn (tầm 1-3 chữ) để trà lời câu hỏi được đưa ra. Từ dùng để trả lời thường phải được lấy từ trong bài. 

 

short answer question

 

Dưới đây là một số lưu ý cho thí sinh khi làm dạng bài Short Answer Questions trong bài thi IELTS Reading:

  • Thí sinh cần đọc kĩ yêu cầu để để biết câu trả lời có thể dài bao nhiêu từ (No more than … words and/or a number).
  • Thí sinh có thể dự đoán từ cần trả lời thuộc loại từ nào (danh từ, động từ…) bằng cách phân tích từ dùng để hỏi trong câu hỏi (what, which…).
  • Những câu hỏi trong dạng này thường đi theo thứ tự.
  • Từ phải được lấy từ từ nguyên gốc trong bài đọc, không thay đổi về loại từ hay số ít số nhiều.

 

Thí sinh có thể chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi bước vào kì thi với các dạng bài trong phần thi Reading mà IGEMS đã nêu ở trên giúp các bạn có định hướng ôn luyện đạt số điểm IELTS cao nhất có thể. Trong các phần tiếp theo về chủ đề IELTS, IGEMS sẽ chia sẻ kĩ hơn cách ôn luyện cho các kĩ năng còn lại cũng như các tài liệu cần thiết cho việc ôn luyện. Hãy theo dõi và đón chờ bản tin IELTS tiếp theo nhé.

Tham khảo thêm: https://luyenthicambridge.com.vn/ielts-la-gi-va-cach-de-chinh-phuc-ki-thi-ielts


 

Vào thi thử miễn phí Học thử 1-1 miễn phí Đăng ký làm đại lý
phone